Bạc Liêu là vùng đất của sự giàu sang gắn liền với tên tuổi của vị Công tử Bạc Liêu một thời, với việc đốt tiền để thể hiện sự giàu có của mình. Bên cạnh đó còn là bài ca Vọng Cổ Hoài Lang đầy da diết. Đến với Bạc Liêu bây giờ, người ta có thể cảm nhận được đây là một thành phố nhộn nhịp và trù phú. Tuy nhiên dù giàu có là thế và nổi tiếng với sự ăn chơi xa xỉ là thế, nhưng vùng đất này cũng đã trải qua nhiều biến cố, với rất nhiều những thăng trầm cùng lịch sử.
Gợi ý lịch trình 3 ngày 2 đêm tại Bạc Liêu
Cùng nhau khám phá Bạc Liêu với lịch trình 3 ngày 2 đêm, xuất phát từ bến xe miền Tây nhé!
– Thời gian: Bạc Liêu 3 ngày, 2 đêm.
– Chi phí: 1 triệu/ người, mình đi nhóm 4 người, ăn uống thoải mái.
– Nghỉ ngơi: nhà nghỉ công ty Xây Lắp. Nhà nghỉ bình dân thôi. Nhưng sạch sẽ, ngay trung tâm thành phố và chị chủ khá nhiệt tình, tụi mình chi trả 400k/phòng 2 giường đôi/ suốt thời gian lưu trú từ 4:30am thứ 7 đến 7am sáng chủ nhật.
Ngày 1: Xuất phát từ bến xe miền Tây
– Tối thứ 6, xuất phát lúc 11:15 từ BXMT.
– Phương tiện di chuyển: xe Phương Trang, theo mình nhận xét thì PT đạt khoảng 3/5 thôi; vì xe chạy không được êm, bạn nào say xe thì đi hơi vất vả.
– Thời gian: 11:45 – 4:15, bình thường xe di chuyển tầm 6 – 6,5h nhưng đi đêm nơi khá nhanh.
Ngày 2: Khám phá Bạc Liêu
– Phương tiện di chuyển: xe máy, tụi mình thuê 2 xe, 1 xe của người quen 50k/ ngày, 1 xe thì thuê của Khách sạn Sài Gòn – Bạc Liêu: 200k/ ngày (giá hơi chát do tụi mình bị trục trặc đoạn cuối nên phải qua khách sạn này thuê).
Buổi sáng
– 7h – 8h: ăn sáng xôi xéo gói lá chuối, coffee nhà khách tỉnh; sau đó qua quảng trường Bạc Liêu và nhà hát nón lá check in, tham quan chụp hình.
– 8h-11:30:
+ Tham quan điện gió Bạc Liêu: vé 30k/người: bao nắng, bao gió, lên hình lung linh lắm nhưng theo mình thì cũng không có gì đặc sắc.
+ Tham quan chùa Xiêm Cáng: trên đường từ điện gió về Thành phố Bạc Liêu; chùa này được xây dựng theo phong cách Thái Lan, kiến trúc khá độc đáo, màu chủ đạo là vàng đồng và cam. Khu chùa này rộng lắm, nhiều cây lâu năm to thiệt to, buổi trưa gió mát, nghe kinh (tiếng Khmer) mở to, thanh bình lắm.
+ Sau đó tụi mình di chuyển theo hướng về thành phố; ghé bánh xèo A Mật, quán này nổi tiếng ở Bạc Liêu, Tụi mình đặt bánh xèo, gỏi cuốn và nghêu hấp gừng: bánh xèo to chắc là 2 người ăn 1 cái mới hết, giá 45k/cái, rau đi kèm là rau rừng, tươi ngon; gỏi cuốn ăn với tương, nước chấm vừa ăn, gỏi thì làm bằng tôm thôi không có thịt, tôm bé bé nhưng tươi và ngọt, mình rất ấn tượng vị ngọt của tôm trong cuốn gỏi; nghêu hấp gừng cũng ngon lắm, tươi và nước súp ok.
Buổi trưa
– 12:30 – 14:00: về khách sạn nghỉ trưa.
– 14:30 – 16:00: Tham quan chùa Giác Hoa, từ chổ khách sạn đi ngược về hướng Sóc Trăng khoảng 15p. Chùa này là khu tu học của các cô. Phục vụ bún nước lèo chay các ngày lễ lớn miễn phí. Chùa rộng lắm. bên cạnh con sông be bé, chỗ sông này là nơi thả hoa đăng vào mấy dịp lễ lớn bên Phật. Khuôn viên chùa thì có khu điện, khu nhà ăn, khu nghỉ ngơi của các cô và khu non bộ phía sau. Khu Non bộ thì bao đẹp, bao hoành tráng: suối nhân tạo, cầu treo, núi non, có hẳn 4 thầy trò đường tăng thỉnh kinh nữa. Mùa nằng, mỗi ngày các chú phải mất 3h đồng hồ mới tưới hết cây ở các khu này.
– 16:00 – 17:00: tham quan khu Mẹ Nam Hải, mình đi vào dịp vía mẹ, nên khách hàng hương đông lắm. Nhưng ấn tượng không tốt lắm do khách hành hương xả rác rất nhiều, nhìn rất phản cảm.
Buổi tối
– 17:00 – 18:30: ăn hải sản gần biển BL; tụi mình định ra bãi biển luôn cho mát với có không khí, nhưng bờ biển đang bị sạt lở, dân quân và cảnh sát phải trực bảo vệ nên tụi mình không được ra bãi biển. Cuối cùng tụi mình ăn trên đường vào biển, không gian cũng thoáng lắm. Hải sản thì thì rất ngon, tươi, và rẻ. Tụi mình gọi: dợp nướng mỡ hành, tôm quay (món này đặc biệt lắm nè, tôm vẫn giữ được vị tươi ngọt, gia vị vừa đủ làm vỏ tôm bom lên, hành vừa chín tới nữa, thơm lắm..chẹp chẹp), mực trứng nướng, ghẹ rang me (ghẹ mập, cắn vào ngặm răng luôn, hít hà). Giờ nhắc tới chỉ muốn chạy ào xuống đó ăn hải sản thôi. Tổng bill 600k/7 người.
– 19:00 – 21:30pm: tụi mình về lại TP. Bạc Liêu, mua cóc ổi mía ghim của bà cụ lớn tuôi trên góc đường lớn rồi ra khu “tình yêu” ngồi hóng gió, tám chuyện. Gọi khu tình yêu vì ở công viên này đây toàn tim là tim.
– Sau 21:30: vòng vòng thành phố hóng gió rồi về nghỉ.
Ngày 3: Tham quan những địa danh nổi tiếng
– Ăn sáng cari vịt, 35k/tô mà thịt vịt ngập mặt, ăn với bánh mì or hủ tiếu đều được.
– Tham quan khu tưởng niệm cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu, vé 20k hay 30k gì đó. Số bậc thang để đi lên đài tưởng niệm là số nhịp của bài Dạ cổ hoài lang. Nghe mấy bạn vừa đi vừa hát hay lắm. Bên trong thì trưng bày những nhạc cụ phổ biến của loại hình đàn ca tài tử. Tụi mình cũng thăm và thấp nhang mộ cố nhạc sỹ và vợ cũng như ba mẹ của ông.
– Sau đó vòng ra Vĩnh An Phước Tự, là nơi ngày xưa ba má nhạc sỹ gửi ông vào, được các sư nuôi dưỡng do nhà quá nghèo. Ở đây hiện đang nuôi dạy hơn 70 em mồ côi, đủ các độ tuổi. Hôm tụi mình ghé thì có bé trai chưa đầy tháng bị bỏ rơi trước cửa, được các thầy mang vào chăm sóc, bé này kiểu thiếu hơi mẹ, nên được ai ôm cũng thích lắm.
– Điểm cuối cùng của tụi mình ở Bạc Liêu là tham quan nhà công tử Bạc Liêu. Đi cafe công tử (kế bên nhà công tử) rồi lên xe về Sài Gòn lúc 12h. Tham quan nhà công tử Bạc Liêu thì vé 20k/người; sẽ có hướng dẫn viên giới thiệu từng đồ dùng trong nhà và các giai thoại về ông.
– 12h lên xe về Sài Gòn. Kết thúc mấy ngày rong chơi. Nói chung thì với mình, Bạc Liêu vừa thanh bình, vừa nhộn nhịp. Đất rộng, người thưa, môi trường trong lành, người dân thân thiện (mình được 3 chị bạn người Bạc Liêu hộ tống như hướng dẫn viên riêng luôn, thích lắm), đồ ăn tươi ngon.
Thời điểm tuyệt vời nhất để đi du lịch Bạc Liêu
Vì đa phần các địa điểm tham quan ở Bạc Liêu là các di tích; các nhà vườn nên dù trời nắng hay là mưa vẫn không ảnh hưởng nhiều đến chuyến đi của bạn. Vì thế bạn có thể đi vào bất cứ thời điểm nào trong năm; miễn sao là nó phù hợp với thời gian của bạn cũng như mọi người.
Theo kinh nghiệm du lịch Bạc Liêu tự túc, bạn nên đi vào 2 mốc dưới đây: Thứ nhất là vào tháng 8 Âm Lịch, vì lúc này vườn nhãn đang vào mùa thu hoạch nên sẽ rất đáng tiếc nếu bạn lại bận vào thời gian này. Có lẽ, những chùm nhãn trĩu quả và ngọt lịm đang chờ bạn đến thưởng thức.
Thứ hai là vào tháng 10 Âm Lịch có diễn ra lễ hội Ok Om Bok là 1 trong 3 lễ hội lớn nhất trong năm của người Khmer tại Bạc Liêu. Ở lễ hội, sau khi thực hiện những nghi lễ quan trọng mọi người sẽ cùng nhau tổ chức các trò chơi đầy sôi động như đua ghe, kéo co, nhảy bao, đập nồi đất,vv… Qua đây, bạn sẽ hiểu được một phần nào đó nét văn hóa của người Khmer cũng như có dịp vào vào không khí lễ hội đầy náo nhiệt ở đây.
Nguồn: Ttimvere.vn